Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến thủy sản đến năm 2015 là 4,6 triệu tấn/năm, đến năm 2020 là 5,7 triệu tấn/năm.
Để cung ứng đủ nguồn nguyên liệu này, Bộ Nông nghiệp đã đưa ra các
nhóm giải pháp về phát triển nguyên liệu cho chế biến, tập trung vào tổ
chức nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết sản xuất, áp dụng các tiêu
chuẩn kỹ thuật nuôi tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn với sản
lượng hàng hóa lớn.
Bộ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầu mối đồng bộ cho vùng nuôi thủy sản tập trung gắn với các cơ sở chế biến.
Bộ Nông nghiệp cũng chỉ đạo tổ chức lại sản xuất trên biển theo tổ
đội, hợp tác gắn với sử dụng tàu hậu cần dịch vụ; phân loại và bảo quản
nguyên liệu đúng cách trên tàu ngay sau khi đánh bắt để đảm bảo chất
lượng trước chế biến. Áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến cùng với
việc hình thành hệ thống cảng cá, chợ cá nhằm duy trì chất lượng nguyên
liệu, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Ngoài nguồn nguyên liệu từ khai thác, nuôi trồng thủy sản, Bộ cũng
tính tới việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản với mức khoảng 600.000
tấn/năm vào năm 2015 và đến năm 2020 nhập khoảng 1 triệu tấn/năm. Việc
nhập khẩu này tùy theo yêu cầu của thị trường, ưu tiên nhập các loại
nguyên liệu mà Việt Nam không có hoặc sản xuất không đủ.
Các quy định của nhà nước về nhập khẩu nguyên liệu sẽ được xây dựng
phù hợp với thực tiễn; kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc và định
mức tiêu hao nguyên liệu trong chế biến phù hợp với điều kiện của Việt
Nam và các công ước quốc tế khác.